0846576888

Dự báo xu hướng thị trường thép Trung Quốc Q2/2020

Thị trường sau tết Nguyên đán

Sự bùng phát dịch coronavirus tại Trung Quốc đầu năm nay đã khiến thị trường thép xáo trộn với giá cả giảm nhanh sau tết Nguyên đán. Kỳ nghỉ lễ Tết nguyên đán đã được mở rộng thêm một tuần cho tới ngày 09/02 thay vì ngày 03/02 theo kế hoạch. Tuy nhiên, hoạt động thị trường hiện tại vẫn chưa trở lại bình thường do công nhân thực hiện thêm cách ly để ngăn chặn dịch bệnh tại các nhà máy và công trường xây dựng.

Giá thép kỳ hạn của Trung Quốc đã giảm tối đa biên độ cho phép hàng ngày vào ngày đầu tiên giao dịch sau khi thị trường mở cửa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cụ thể, hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn Thượng Hải chốt mức 3.233 NDT/ tấn (460.50 USD / tấn), giảm 267 NDT / tấn, tương đương 7.6% so với phiên giao dịch trước đó vào ngày 23 /1.  Hợp đồng kỳ hạn cuộn cán nóng giảm mức tương tự 275 NDT/ tấn, tương đương 7.8%, chốt ở mức 3.246 NDT/ tấn. Giá giảm 8% so với mức ngày 23/01.

Tại thị trường giao ngay, giá thép cây nội địa ở Bắc Kinh đã giảm hơn 200 NDT/tấn so với trước tết với biên độ lợi nhuận thép cây hàng ngày là 45.22 USD / tấn vào ngày 04/02, giảm gần 60 USD / tấn so với trước khi bùng nổ dịch. Tương tự, thị trường thép cuộn cũng suy yếu do nhu cầu tiêu thụ ngưng trệ vì dịch. Giá giảm mạnh đã dẫn tới giá giao ngay trong nước xuống thấp hơn mức xuất khẩu sau tết. Tại thị trường Thượng Hải, giá HRC giao ngay giảm 300 NDT/tấn so với trước tết.

Thị trường xuất khẩu cũng suy yếu do người mua xa lánh vì các phát sinh hậu cần do dịch trong bối cảnh giá nội địa giảm liên tục. Kể từ cuối tháng 1, các cảng ở tỉnh Hà Bắc, một trung tâm sản xuất thép lớn của Trung Quốc đã bị đóng cửa, cản trở cả nhập khẩu quặng sắt và xuất khẩu thép, và nhiều thành phố đã trì hoãn khởi động lại xây dựng cho đến khi có thông báo mới.  Chào giá các nhà máy đã giảm 30-40 USD/tấn so với trước lễ xuống còn 470-485 USD/tấn FOB cho HRC thương phẩm.

Dự báo thị trường thép Trung Quốc Q2/2020

Khó khăn:

_Trong một bản cập nhật với các nhà phân tích để thảo luận về tình hình hiện tại ở Trung Quốc, Nhà sản xuất thép Trung Quốc Baosteel đã cảnh báo rằng có thể mất nhiều thời gian hơn để yêu cầu phục hồi sau coronavirus so với SARS. Một lý do cho điều này được cho là sự yếu kém đang diễn ra trong lĩnh vực ô tô, đó là thị trường trọng điểm của thép cuộn. Nhà sản xuất thép có trụ sở tại Thượng Hải này dự kiến sẽ giảm một con số tăng trưởng trong năm nay trong sản xuất ô tô, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp thu hẹp trong lĩnh vực này.

_Nhu cầu thép bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng 2, tình trạng dư cung trên thị trường thép sau đó là không thể tránh khỏi trừ khi các nhà máy cắt giảm sản lượng.

_Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại gặp phải dịch bệnh sẽ càng gây áp lực cho nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu thụ thép. Để mường tượng trước tác động với kinh tế, nhật báo Le Monde so sánh với dịch viêm phổi cấp (SARS) năm 2002 – 2003. Vào thời điểm này, tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm hơn 9% trong quý hai năm 2003, nhưng nhanh chóng tăng vọt lên 10% vào nửa sau của năm 2003. Câu hỏi liệu kinh tế Trung Quốc có phục hồi nhanh chóng sau đợt dịch này hiện còn để ngỏ chưa có lời đáp.

_ Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt được bước tiến quan trọng song những bất ổn ảnh hưởng tới tâm lý ngành thép.

_ Áp lực cạnh tranh gia tăng tại các thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á ngày càng trở nên chật chội.

Thuận lợi:

_ Năm nay đánh dấu sự kết thúc của kế hoạch năm năm lần thứ 13 của Trung Quốc (2016-2020), mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 6.5% trong giai đoạn này. Do tăng trưởng GDP quý 1 có thể sẽ rất thấp và có khả năng gây nguy hiểm cho mục tiêu đó, chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ công bố nhiều biện pháp kích thích hơn để bù đắp tác động tiêu cực của sự bùng phát coronavirus đối với nền kinh tế.

  _Quan hệ Mỹ-Trung tiến triển với sự ký kết thỏa thuận đợt 1 vào giữa tháng 1 và Trung Quốc giảm thuế cho 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 14/02.

_Tăng trưởng sản lượng thép Trung Quốc chậm lại do nước này tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu thay thế công suất, cắt giảm nguồn cung. Ngày 13/1, Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) cho biết ngành thép nước này sẽ bị cấm nâng công suất sản xuất mới trong năm 2020. Theo CISA, chính sách trên là bước đi củng cố quá trình tái cơ cấu nguồn cung thép trong nước.

 _ Nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng trở lại do sự trì hoãn các hoạt động xây dựng và sản xuất từ sự bùng phát dịch.

_Chi phí sản xuất cao với với giá quặng tăng dựa vào áp lực nguồn cung giảm.

Triển vọng giá:

Giá cả dự báo cải thiện trong Q2 sau sự sụp đổ của Q1 do sự bùng phát dịch coronavirus sau tết Nguyên đán. Từ tháng 4, thị trường thép cũng bước vào mùa cao điểm truyền thống với các hoạt động xây dựng cải thiện, hỗ trợ giá. Tuy nhiên, giá tăng bị kìm hãm do sự gia tăng hàng tồn từ những trì hoãn trước đó cộng với các khó khăn kinh tế sau dịch ảnh hưởng tới tâm lý thị trường. Dự báo biên độ dao động giá vào tầm 550-560 USD/tấn FOB tháng 4-tháng 5 trước khi có thể giảm nhẹ lại vào tháng 6 xuống 10-20 USD/tấn khi mùa mưa bắt đầu.

Dự báo giá quặng sắt

Quặng sắt sẽ tiếp tục là hàng hóa được giới đầu tư thế giới theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới. Giá quặng sắt tại thị trường Trung Quốc đã chịu áp lực giảm sâu do thị trường lo ngại dịch virus Corona khiến nền kinh tế Trung Quốc bị đình trệ sẽ khiến nhu cầu sử dụng thép cũng như quặng sắt giảm.

Trên thị trường giao ngay, dữ liệu của hãng tư vấn thị trường thép SteelHome cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt giao ngay tại Trung Quốc đạt 83.80 USD/tấn trong ngày 03/02, thấp nhất kể từ ngày 15/11/2019. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khẩn cấp bơm 174 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế trước tác động tiêu cực của dịch virus Corona cũng như các lo ngại nguồn cung giảm đã giúp phục hồi giá sau đó.

Giá giao ngay tăng mạnh sau khi Vale SA, Brazil hôm 11/02 điều chỉnh dự báo sản lượng quặng sắt trong quí đầu tiên từ 68 – 73 triệu tấn xuống còn 63 – 68 triệu tấn do ảnh hưởng của những trận mưa lớn gần đây đối với hoạt động khai thác. Nguồn cung quặng sắt từ Australia cũng chậm lại với các chuyến hàng từ cảng Port Hedland, cảng quặng sắt lớn nhất thế giới, giảm 18% trong tháng 1 so với tháng trước.

Dự báo, nguồn cung quặng chưa thể phục hồi sớm nên sẽ còn hỗ trợ giá những tháng tới, bên cạnh động lực từ tiêu thụ thép phục hồi. Do đó, dự báo giá quặng tăng trưởng và biến động trong khoảng 85-90 USD/tấn trong Q2.

Lưu ý:  Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.

Nguồn tin: Satthep.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *